Không chỉ Trung Quốc “khốn đốn” vì dân số, thống kê cho thấy nam giới Việt Nam cũng sẽ gặp khó trong việc tìm bạn đời
(Tổ Quốc) – Tổng cục Thống kê nhận định, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, đưa ra bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).
Chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Kết quả điều tra cho thấy, SRB của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. SRB giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể, SRB cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái). Sự khác biệt của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước.
SRB của Trung du và miền núi phía Bắc năm 2009 là 108,5 bé trai/100 bé gái, tăng lên 114,2 bé trai/100 bé gái năm 2019. SRB của Đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 115,3 bé trai/100 bé gái, tăng nhẹ lên 115,5 bé trai/100 bé gái năm 2019. Qua 10 năm, mức tăng SRB của Trung du và miền núi phía Bắc nhiều hơn mức tăng SRB của Đồng bằng sông Hồng.
Nam giới gặp khó trong việc tìm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân
Tổng cục Thống kê nhận định, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai.
Thực tế thể hiện rất rõ qua số liệu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nam giới chưa lập gia đình tính đến tháng 4/2019 là 26,6%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 18,5%. Báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ chưa lập gia đình ở thành thị cao hơn so với nông thôn ở cả hai giới.
Tổng cục Thống kê cho biết, nghiên cứu và đưa ra những nhận định, đánh giá về thực trạng mức sinh tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là trước thực trạng về SRB, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, tại Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.