Tác động xuyên biên giới của luật an ninh Hong Kong
Luật an ninh Hong Kong không chỉ áp dụng với cư dân thành phố, mà còn có thể truy tố người nước ngoài xâm phạm an ninh quốc gia.
Nội dung luật an ninh Hong Kong đã được giới chức Trung Quốc đại lục giữ kín cho đến khi nó được đăng công báo và có hiệu lực lập tức vào nửa đêm 30/6, khiến cư dân, học giả pháp lý, các nhà ngoại giao và các doanh nghiệp phải xem xét tỉ mỉ để xác định những hành vi nào giờ đây cấu thành tội phạm theo đạo luật mới.
Bắc Kinh nói rằng luật an ninh sẽ không chấm dứt các quyền tự do chính trị ở Hong Kong, nhưng rõ ràng một số quan điểm chính trị giờ đã trở thành bất hợp pháp chỉ sau một đêm. Các nhà phân tích pháp lý đánh giá rằng luật an ninh nghiêm khắc hơn họ nghĩ, đặc biệt là điều 38, quy định rằng Trung Quốc có thể truy tố hành vi vi phạm an ninh quốc gia diễn ra ở nước ngoài, thậm chí do người nước ngoài thực hiện.
“Nếu bạn từng nói điều gì có thể xúc phạm Bắc Kinh hoặc Hong Kong, hãy tránh xa Hong Kong”, Donald Clarke, chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington, viết.
“Tôi không thấy có lý do gì để không nghĩ rằng Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với tất cả mọi người trên hành tinh”, Clarke viết.
James To, nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong, nói rằng luật này có thể ảnh hưởng đến “mọi người trên khắp thế giới, những người đến thành phố để kinh doanh, quá cảnh hay du lịch, bất cứ ai”.
Luật an ninh hình sự hóa 4 tội danh: lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài để phá hoại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết mô tả về 4 tội danh này được viết khá chung chung, có thể tùy vào cách diễn giải của giới chức để xác định đâu là hành động phi pháp.
Việc đập phá phương tiện giao thông công cộng, điều mà người biểu tình thường làm vào năm ngoái, giờ đây bị coi là khủng bố. Việc hỗ trợ cho hành vi đó cũng bị coi là có tội. “Điều này có nghĩa là nhiều người biểu tình ôn hòa cũng sẽ bị bắt theo luật nếu những người biểu tình cực đoan mà họ hỗ trợ bị truy tố với cáo buộc khủng bố”, luật sư Hong Kong Antony Dapiran nói.
Theo mô tả của luật về tội ly khai, những lời kêu gọi ôn hòa về việc đòi thêm quyền tự chủ hoặc độc lập cho Hong Kong là phạm pháp. Chiều 1/7, cảnh sát đã bắt hai người đầu tiên theo luật – một người đàn ông và phụ nữ cầm biểu ngữ “Hong Kong độc lập”.
Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố rằng các lời kêu gọi độc lập cho Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương hay Đài Loan đều bị coi là bất hợp pháp.
Một lĩnh vực khác gây lo ngại là tự do truyền thông và học thuật. Nhờ quy tắc tự do ngôn luận, Hong Kong trong nhiều thập kỷ đóng vai trò là trung tâm báo chí khu vực và quốc tế – truyền thống vẫn tiếp tục sau khi Anh bàn giao thành phố cho Trung Quốc.
Luật yêu cầu cơ quan an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hong kong “thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường quản lý” các cơ quan thông tấn quốc tế và tổ chức phi chính phủ, nhưng không nói cụ thể cách thức.
“Có thể tuyên bố tự do báo chí đã chết ở Hong Kong”, Claudia Mo, cựu nhà báo và là nhà lập pháp đối lập, nói. Bà cho rằng những tiếng nói phê bình giờ có thể ngần ngại bày tỏ quan điểm với truyền thông và các nhà báo có thể bắt đầu tự kiểm duyệt.
Từ trước khi luật an ninh được ban hành, vị thế của Hong Kong như một
“pháo đài” tự do báo chí đã tuột dốc trong những năm gần đây.
Hồi đầu năm, Trung Quốc trục xuất một nhóm nhà báo Mỹ trong động thái trả đũa với Washington. Họ cũng tuyên bố các phóng viên này sẽ không được phép vào Hong Kong, mặc dù thành phố có cơ chế quản lý nhập cảnh riêng.
“Hong Kong từ lâu đã được biết đến như ‘thành phố biểu tình’, với phong trào đối lập mạnh mẽ, tự do truyền thông và cởi mở bày tỏ quan điểm. Luật an ninh dường như nhắm vào tất cả mặt này và có thể định hình lại thành phố mãi mãi”, James Griffiths, ký giả của CNN, viết