‘Nữ hoàng livestream’ Trung Quốc kiếm hàng triệu USD

Viya có thể bán được mọi thứ từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm đến cả nhà, ôtô và tên lửa. Lượng người xem livestream của cô còn vượt cả tập cuối serie truyền hình ăn khách ‘Game of Thrones’.

Huang Wei, thường được biết đến với tên gọi Viya, người được mệnh danh là “Nữ hoàng livestream” bởi cô có thể bán được mọi thứ, kể cả tên lửa trên kênh bán hàng online của mình. Theo Bloomberg, hồi tháng 4, Viya đã bán một tên lửa với giá 40 triệu NDT (5,6 triệu USD). Tháng trước, cô đạt kỷ lục khi có tới hơn 37 triệu người cùng xem một buổi livestream của cô, cao hơn cả tập cuối serie phim truyền hình ăn khách nhất thập kỷ Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) hay lễ trao giải Oscars.

Nữ hoàng livestream Viya giới thiệu các sản phẩm trên Taobao. Ảnh: Bloomberg. 

Nữ hoàng livestream Viya giới thiệu các sản phẩm trên Taobao. Ảnh: Bloomberg. 

Mỗi tối, người xem livestream của Viya đều đặt mua khối lượng hàng hóa trị giá lên đến vài triệu USD, chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm sẵn hay quần áo nhưng thỉnh thoảng cô cũng bán được cả nhà và ôtô. Trong ngày hội mua sắm “Singles’ Day” năm ngoái (ngày 11/11), Viya đã bán được tới 3 tỷ nhân dân tệ (423 triệu USD). Covid-19 bùng phát hồi đầu năm khiến hầu hết người Trung Quốc phải ở nhà và đặt hàng online thì công việc kinh doanh của Viya càng phát đạt.

Mua sắm trực tuyến là kết quả của hàng loạt xu hướng công nghệ hiện đại và “tầng lớp” streamer – người có ảnh hưởng trên chợ thương mại điện tử – trở thành công cụ giúp các doanh nghiệp tiếp cận túi tiền người tiêu dùng dễ dàng hơn. Viya là một trong những streamer tiên phong trong lĩnh vực này. Hiện sức ảnh hưởng của cô lớn đến mức cả Tesla, P&G hay siêu mẫu Miranda Kerr đều tìm đến cô để hợp tác giới thiệu sản phẩm của họ tại thị trường Trung Quốc.

“Tôi xem mình như một người giúp khách hàng đưa ra quyết định. Do vậy tôi cần nghĩ về những nhu cầu của họ. Tham vọng của tôi là cung cấp mọi thứ cho những người hâm mộ mình từ chuông cửa, thảm, bàn chải đánh rằng, nội thất, mọi thứ”, Viya nói sau khi kết thúc buổi livestream và trên người vẫn đang mặc sản phẩm đã bán tối hôm đó bao gồm áo thun trắng, mũ bóng cháy và hoa tai bạc.

Viya được nhân viên trang điểm trước khi lên sóng livestream bán ô tô cho một thương hiệu. Ảnh: Bloomberg. 

Viya được nhân viên trang điểm trước khi lên sóng livestream bán ôtô cho một thương hiệu. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ buổi phát trực tuyến nào của cô ấy”. Linda Qu, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Hàng Châu, nói.

Cứ mỗi tối sau khi cho con trai 4 tuổi đi ngủ, Linda nằm trên ghế sofa, mở điện thoại và xem livestream của Viya. Hầu hết các buổi livestream của Viya, Linda đều mua một món đồ gì đó. Hội chứng “sợ bị bỏ lỡ” khiến Linda xem liên tiếp nhiều sản phẩm livestream vì “Biết đâu lại có một món đồ đẹp rồi tôi bỏ thì thật tiếc”.

Trong khi đó, mỗi tối Viya bắt đầu buổi livestream từ căn phòng nhỏ trong trụ sở chính của Qianxun Group tại thành phố Quảng Châu, công ty quản lý những streamer và hệ thống bán lẻ, chuỗi cung ứng gồm 500 nhân viên do chồng cô làm chủ tịch.

“Năm nay là thời điểm quan trọng với ngành công nghiệp này, tôi đã nói như vậy ngay cả trước cả khi Covid-19 ập đến. Covid-19 đã thúc đẩy nhiều công ty chuyển sang bán hàng online và khi nhiều cái tên lớn tham gia vào kênh bán hàng này, tiềm năng của nó trỗi dậy mạnh mẽ hơn”, Alves Huang, CEO Qianxun cũng là em cùng cha khác mẹ của Viya, nói.

Trong tòa nhà 10 tầng của Qianxun Group, các nhân viên làm việc bất kể ngày đêm. Tâm điểm trong tòa nhà là gian hàng khổng lồ nằm ở tầng 2 và 3 với diện tích 10.000 mét vuông, gấp 1,5 lần một sân bóng, nơi trưng bày tất cả những hàng hóa được bán khi livestream. Đồ ăn và đồ dùng gia đình là nhiều nhất, tiếp đó là quần áo và phụ kiện gồm kính, túi, giày thể thao, đồ ngủ… Tại tầng 4 của tòa nhà, Viya cùng đội ngũ gồm 40 nhân viên khác đang chọn lọc các sản phẩm chất lượng để giới thiệu cho buổi livestream vào buổi tối.

Viya livestream bán ô tô cho một thương hiệu. Ảnh: Bloomberg. 

Viya livestream bán ôtô cho một thương hiệu. Ảnh: Bloomberg. 

Đội ngũ của Viya cho rằng bí quyết thành công của cô là nhờ vào khả năng kén chọn sản phẩm hộ khách hàng. Từ chất lượng sản phẩm tới việc mặc cả giá đều được Viya đều thực hiện rất cẩn thận trước khi livestream bán hàng.

Cầm trên tay một máy cạo râu điện nhưng khi khởi động nghe tiếng ồn quá lớn, hay nếm thử loại kẹo mới của một thương hiệu nhưng nó quá ngọt, Viya đều gạt bỏ và không nhận livestream. Và khi cầm đến một chiếc bật lửa Zippo được nhà sản xuất đề nghị bán với giá 399 (56 USD) nhân dân tệ, Viya cho rằng giá đó quá cao và yêu cầu nhàn sản xuất giảm giá bán xuống còn 389 (54 USD) nhân dân tệ.

Trên thực tế, khách hàng thường chuyển đổi rất chậm từ nhận biết sản phẩm tới quyết định mua hàng và cuối cùng trung thành với sản phẩm đó. Nhưng “những ngôi sao livestream như Viya khiến quá trình đó ngắn lại”, Helen Hu, người phát ngôn P&G Trung Quốc đại lục, nhận định.

“Cô ấy cá tính và xuất hiện chân thật mà không cần cố gắng quá nhiều”, Andy Yap, một nhà tâm lý học xã hội tại trường kinh doanh Insead ở Singapore, nhận định về thành công của Viya.

Tuy nhiên thành công của Viya là quá trình nỗ lực không ngừng chứ không đơn giản là một ngôi sao vụt sáng như nhiều người lầm tưởng. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống bán lẻ ở tỉnh An Huy và mở cửa hàng đầu tiên ở Bắc Kinh với bạn trai cũ khi mới 18 tuổi. Anh này ban đầu chịu trách nhiệm vận hành kho và hậu kỳ. Viya làm mẫu và bán quần áo.

Năm 2005, Viya giành chiến thắng show truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc Super Idol ở An Huy giúp tên tuổi cô được nhiều người chú ý. Đến 2012, cô chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh sang trực tuyến. Khi Taobao ra tính năng livestream vào năm 2016, Viya là một trong những người đầu tiên tham gia. Livestream trở thành mảnh đất vàng giúp Viya bộc lộ khả năng giao tiếp với khách hàng và thuyết phục họ mua sản phẩm nhanh chóng.

Viya có những chiến thuật khiến khách hàng đổ xô mua sản phẩm mình giới thiệu. Mọi thứ đều chưa được mua cho đến khi Viya bắt đầu đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1.

“Sự sợ hãi khan hiếm hàng là một đòn tâm lý hữu hiệu khiến mọi người phải hành động thật nhanh, mua hàng mau chóng vì sợ hết. Trong những buổi livestream tâm lý này càng nặng nề bởi thời gian khá ngắn và họ không thể suy nghĩ được nhiều”, nhà tâm lý học Andy Yap nhận định.

Nữ hoàng Livestream Trung Quốc kiếm hàng triệu USD - 6

Căn phòng livestream bán hàng của Viya tại Qianxun Group ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Sự nổi tiếng của Viya được xây dựng trên sự yêu mến của khán giả dành cho cô bởi sự tận tâm và chu đáo. Nếu một người xem phàn nàn về một sản phẩm đã mua của Viya, cô sẽ ghi lại và giải quyết ngay lập tức.

“Bạn phải có một môi trường để nuôi dưỡng một thói quen. Ví dụ, để tạo niềm tin giữa chúng tôi và khách hàng, đó là điều quan trọng nhất. Khách hàng biết rằng họ sẽ không mua phải hàng giả, họ tin tưởng vào hệ thống hậu cần để đảm bảo độ tươi của bất kỳ thực phẩm nào họ đặt hàng và tin tưởng vào các dịch vụ hậu mãi. Đó là điều kiện tiên quyết”, Viya chia sẻ.

Thời điểm Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc, Viya hứa với người hâm mộ của mình rằng sẽ đến thăm địa danh lịch sử Yellow Crane Tower (Tháp Sếu vàng) 2000 năm tuổi ở Vũ Hán. Ngay sau khi thành phố này mở cửa vào cuối tháng 4, cô cùng đội ngũ của mình đã lái xe đến thành phố này quay video cổ động “Chúng ta cùng giúp Hồ Bắc nào”. Trước khi cô phát video đã có 160.000 người đăng nhập và chờ xem. Tại đây, cô giới thiệu nông sản và một số đặc sản Hồ Bắc giúp người dân địa phương tiêu thụ lượng lớn hàng tồn kho trong thời gian “phong thành”.

Theo các nhà phân tích, không nơi nào tiềm năng ngành công nghiệp Livestream rõ ràng hơn Trung Quốc, nơi thói quen mua sắm trực tuyến gắn bó sâu sắc với người tiêu dùng nhờ vào công cụ được tích hợp vô cùng tiện ích của các nhà bán lẻ. Ví dụ công nghệ của Alibaba cho phép người xem livestream trò chuyện với những người xem khác, chọn và trả tiền cho sản phẩm cùng một lúc. Alibaba có mặt ở khắp mọi nơi: trang web mua sắm Taobao và Tmall; các chi nhánh ngân hàng và tín dụng Ant Financial, Alipay và Sesame Credit; hậu cần vận chuyển Cainiao tạo nên vòng tròn kết nối tiện ích cho người tiêu dùng.

Nhờ vào sự đổi mới công nghệ của các hãng thương mại điện tử này, Viya kiếm được khoảng 30 triệu nhân dân tệ (4,2 triệu USD) trong năm 2018, số liệu được Alibaba công bố.

Theo Bloomberg

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *